ÔNG NGUYỄN TIẾN DŨNG – TỔNG GIÁM ĐỐC SAVISTA HOLDINGS: ‘NẾU NHÂN SỰ KHÔNG HIỂU, HỆ THỐNG TRIỆU ĐÔ CŨNG BẰNG 0’

05/05/2023 14:45:29

Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, bên cạnh nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo thì nhân sự là yếu tố cốt lõi quyết định thành công trong chuyển đổi số của doanh nghiệp.

12 năm tham gia vào chuyển đổi số trong hành trình 15 năm xây dựng và phát triển doanh nghiệp, vượt qua nhiều thách thức, SAVISTA Holdings đã đạt được kết quả ấn tượng với việc xây dựng hệ sinh thái các thương hiệu thành viên, nổi bật là sở hữu công ty cung cấp giải pháp công nghệ Salink Việt Nam. Tuy nhiên, có thể xem công nghệ là một phần của chuyển đổi số và nhân sự là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo thành công. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Giám đốc SAVISTA Holdings một lần nữa nhấn mạnh điều này với kinh nghiệm đúc kết từ chính doanh nghiệp mình.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Giám đốc SAVISTA Holdings

Theo ông, việc một doanh nghiệp truyền thống chuyển sang hoạt động trong môi trường số hóa cao thì đâu là rào cản, người lãnh đạo cần phải lưu ý những gì? Ở SAVISTA, công cuộc số hóa doanh nghiệp đã diễn ra như thế nào?

Quan điểm của tôi cũng xuất phát từ trải nghiệm, bài học ở SAVISTA khi thực hiện chuyển đổi số. Yếu tố mấu chốt nhất để giải quyết bài toán chuyển đổi số thành công cho doanh nghiệp vẫn là nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo, sau đó là đến vai trò của các nhân sự đồng hành. 

Ngay từ những ngày đầu khi chúng tôi đặt ra vấn đề chuyển đổi số, thì song song đó cũng là chuyển đổi mô hình kinh doanh, thiết lập lại các bộ máy, xây dựng lại các quy trình. Tất cả phải đảm bảo thật khoa học để khi số hóa, mọi vấn đề đều được chạy trơn tru. Sau đó, chúng tôi lên kế hoạch để xây dựng những hệ thống, phần mềm phù hợp với quy trình hoạt động của mình để tối ưu hóa trước về mặt quản trị.

Tiếp theo, tôi cho rằng cũng là giai đoạn quan trọng nhất quyết định thành công của doanh nghiệp là giai đoạn triển khai phải thật sự ăn ý, đồng thuận với nhau. Một hệ thống được doanh nghiệp mua có thể đến hàng triệu đô la, nhưng cũng sẽ trở thành con số 0 nếu nhân lực không tự giác sử dụng nó hoặc chỉ sử dụng đối phó thì vô hình chung trở thành gánh nặng. Gánh nặng cho chính nhân sự vì phải làm cùng lúc hai việc – một thủ công và một trên phần mềm. Từ đó dẫn tới bộ máy ì ạch, trễ nải và công cuộc chuyển đổi số chắc chắn thất bại. 

Đó là rào cản mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức rõ. Không phải thấy người khác làm ta cũng làm, chạy theo trào lưu số hóa mà quan trọng là phải hiểu doanh nghiệp mình đang cần gì. Ví dụ doanh nghiệp thương mại cần quảng bá sản phẩm, quản lý khách hàng, quản lý việc chăm sóc khách hàng và thông tin khách hàng, làm cách nào đó kết nối với mạng xã hội để chuyển sản phẩm đến gần hơn, nhanh hơn. Hãy tập trung vào đó trước cho đến khi đạt hiệu quả thì phát triển lên từ từ: số hóa quy trình về quản lý, các hệ thống về văn phòng điện tử E-Office, tiến bộ hơn nữa là hệ thống ERP… để kết nối thành một hệ sinh thái thật tối ưu trong quá trình quản trị doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng, bài toán quan trọng nhất vẫn là bài toán về nhân sự. Nhân sự là cốt lõi quyết định thành công trong quá trình chuyển đổi số” – TGĐ Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Việc doanh nghiệp triển khai số hóa đồng nghĩa sẽ kéo theo phải sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cho phù hợp. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế thường bị vướng ở đội ngũ nhân sự, năng lực của người quản lý… Vậy theo ông, làm thế nào để sắp xếp bộ máy cho phù hợp? Thực tế SAVISTA đã ứng xử như thế nào trong những năm vừa qua?

Quả thực, chỉ khi đưa vào vận hành thực tế các doanh nghiệp mới thấy những bất cập và trở ngại trong quá trình hoạt động. Theo tôi, điều này đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Yếu tố khách quan chính là trong bối cảnh kinh doanh cần linh hoạt, làm sao vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh và doanh thu. Việc sắp xếp lại bộ máy phải thật uyển chuyển, nếu cứng nhắc sẽ dẫn đến hiệu quả không đạt và kết quả cuối cùng là thất bại. 

Yếu tố thứ hai đến từ nhân sự. Thực tế, chúng ta không thế tránh khỏi những phát sinh và bất cập trong tương tác công việc, sắp xếp nhân sự không phù hợp. Nếu nguyên nhân đến từ con người thì cần phải đào tạo, hướng dẫn, cuối cùng không được thì phải thay thế. Nếu đến từ hệ thống thì phải cải tạo, xây dựng lại, tạo thành phiên bản mới để khắc phục những yếu điểm. 

SAVISTA đã bắt đầu tự xây hệ thống ERP từ năm 2015 nhưng chúng tôi đã phải mất 5 năm vừa nghiên cứu, chỉnh sửa phần mềm, vừa hướng dẫn đào tạo nhân sự, thuyết phục lẫn “răn đe”… thậm chí chấp nhận từ bỏ mô hình cũ để xây lại mô hình mới. Hiện tại, mô hình ERP mà SAVISTA đang áp dụng là phiên bản thứ 3 đã được nâng cấp từ hai phiên bản trước đó. Đây là sự gian truân bởi không đơn giản có phần mềm là có thể áp dụng được. Năm 2020, hệ thống của chúng tôi đã thực sự vận hành trơn tru. Và cũng mất 5 năm, nhân sự mới cảm thấy đây là xu thế giúp ích rất nhiều cho họ. 

Ở nhiều doanh nghiệp sau vài lần thử, sai, thất bại thường rơi vào trạng thái “chim sợ cành cong”. Có khi nào trong điều hành doanh nghiệp, ông đã ở trong tâm lý đó hay chưa? Ông đã đương đầu với các sức ép như thế nào để có thể vượt qua và đưa SAVISTA đạt được thành công như hiện tại?

Không chỉ SAVISTA mà bất cứ doanh nghiệp nào khi đứng trước một dự án mới đều sẽ đặt dấu hỏi là liệu có thành công hay không, sẽ đưa doanh nghiệp đi về đâu, chúng ta sẽ trải nghiệm nó như thế nào… Đặc biệt ở những quyết định mang tính cốt yếu, liên quan đến sự tồn tại và là bước ngoặt của doanh nghiệp, những băn khoăn đó là đúng. Việc triển khai một hệ thống mới thì có thể sẽ không nhận được sự đồng thuận ngay từ đầu. Tôi cho rằng, tất cả đều cần phải có lộ trình, sự sắp xếp hợp lý. Đôi khi, có những thất bại doanh nghiệp vẫn đứng được, nhưng cũng có những thất bại khiến doanh nghiệp “mất hết”. Do đó, chỉ nên trải nghiệm thất bại ở mức độ chấp nhận được để rút tỉa kinh nghiệm cho mình.  

Hiện nay có nhiều khóa hội thảo, những buổi chia sẻ, lãnh đạo thường sẽ cử nhân viên đi để học hỏi và chờ báo cáo. Tuy nhiên thực tế, triển khai hệ thống thành công lại nằm ở lãnh đạo doanh nghiệp. Vì vậy, lãnh đạo phải là người trực tiếp đi tham dự để tự thân cảm nhận được những giá trị tất yếu và những điều cần phải làm cho doanh nghiệp mình.

Bản thân tôi ngay từ những ngày đầu thành lập đã đi rất nhiều những hội thảo về công nghệ mới (Marketing online, CRM, ERP…). Từ đó, có thể định hướng, đưa ra những ý tưởng phù hợp nhất với doanh nghiệp mình và truyền cảm hứng để đội ngũ nhân sự hiện thực hóa các mục tiêu.

Xin cảm ơn ông!